Facebook

Twitter

Copyright 2017 Nguyen Do Lawyers.

9:00 - 17:30

Thứ Hai - Thứ Sáu

+84 916 799 686

+61 401 399 996 (Zalo & Viber)

Facebook

LinkedIn

Search
Menu
 

Úc: Người mới nhập cư có thể phải sống ở vùng nông thôn

Úc: Người mới nhập cư có thể phải sống ở vùng nông thôn

Đúng như dự đoán của giới phân tích Chính phủ của Thủ tướng Morrison ngày hôm qua đã công bố dự thảo chính sách nhập cư mới, theo đó khoảng 45% người mới nhập cư sẽ không được phép cư trú tại Sydney và Melbourne.

Bộ trưởng Dân số, ông Alan Tudge cho biết chính sách mới có mục tiêu giảm áp lực tăng dân số lên hai thành phố lớn nhất nước Úc, đồng thời khích thích tăng trưởng cho các khu vực ngoại ô còn đang kém phát triển thông qua lực lượng lao động nhập cư có tay nghề mới được bổ sung.

Nguồn gốc của cuộc tranh luận

Nước Úc mới chào đón công dân thứ 25 triệu, sớm hơn dự kiến trước đây tới hơn 10 năm. Trong số 25 triệu này, có tới 2/3 dân số sống tập trung tại Melbourne và Sydney.

Mặc dù tổng số dân của nước Úc tương đối thấp so với các nước khác trên thế giới, tuy nhiên quốc gia này lại có tốc độ tăng dân số nhanh nhất trong số các nước thuộc khối OECD với tỷ lệ tăng 1.6% trong năm 2017. 

Người nhập cư đóng góp tới 60% tăng trưởng dân số trên cả nước. Trong đó, nếu chỉ tính riêng các vùng có lượng người nhập cư cao là Melbourne, Sydney và Đông Nam bang Queensland thì con số này lên tới 75%.

Sự gia tăng dân số tập trung tại một vài vùng đã tạo ra áp lực rất lớn cho cơ sở hạ tầng ở các thành phố này. Theo Ủy ban giao thông, hạ tầng và kinh tế vùng trong một báo cáo mới đây về việc tắc nghẽn giao thông, vào giờ cao điểm tại Sydney việc đi lại mất thêm tới 65% thời gian so với cung giờ bình thường, trong khi con số này ở Melbourne là 55%. Thiệt hại kinh tế do tắc nghẽn giao thông gây ra là rất lớn và ngày một tăng, mất khoảng 25 tỉ AUD mỗi năm. Con số này có thể lên tới 40 tỉ sau 10 năm nữa.

 Chính phủ nói gì?

 “Chỉ cần tăng một lượng nhỏ số lượng người mới nhập cư định cư ở những vùng thưa dân cư cũng đã góp phần giảm áp lức rất lớn cho các đô thị trung tâm.” Ông Tudge nhận định.

Theo dự kiến, 25% người mới nhập cư, vào khoảng 50,000 người, thuộc diện bảo lãnh tay nghề của chủ sử dụng lao động sẽ không chịu ảnh hưởng bởi chính sách mới này, do Chính phủ vẫn phải đảm bảo nguồn cung lao động nước ngoài cho các ngành kinh tế Úc vẫn đang thiếu hụt lao động trầm trọng. Bên cạnh đó, những cá nhân di cư theo diện đoàn tụ gia đình (khoảng 30%) cũng không bị hạn chế về giới hạn địa lý vì lý do nhân đạo.

Thông tin cụ thể về các điều kiện mới sẽ được áp đặt lên các dòng visa hiện vẫn chưa được Chính phủ công bố chính thức. Tuy nhiên, qua phát biểu của các thành viên trong Nội các, có thể nhận định yêu cầu mới sẽ bắt buộc người di cư sống bên ngoài các thành phố lớn trong ít thời gian tối đa 5 năm. Chính phủ có thể sử dụng các điều kiện bắt buộc ghi nhận trong visa kết hợp với các hình thức khuyến khích khác để gia tăng sức hấp dẫn của các khu vực thưa dân cư trong mắt người dân mới nhập cư.

Chính sách mới liệu có khả thi?

Mặc dù các thành viên Chính phủ đã đưa ra các dự đoán rất lạc quan về kết quả chính sách mới đối với việc giải quyết vấn đề quá tải dân số ở hai trung tâm lớn, nhiều chuyên gia vẫn có cái nhìn thận trọng.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Doanh nhân Việt Úc, luật sư Đỗ Gia Thắng, CEO Tổ hợp luật đa quốc gia Nguyễn Đỗ cho rằng Chương trình của Chính phủ chưa chắc đã giúp giảm bớt gánh nặng cho hạ tầng của Melbourne và Sydney.

“Theo thống kê, 15 khu vực có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất của nước Úc hầu hết đều nằm tại các vùng thưa dân cư. Do đó, không có gì đảm bảo gần 100,000 người nhập cư khi bị dồn về các vùng này có thể tìm được việc làm để ổn định cuộc sống.” luật sư Thắng nói.

Giáo sư Peter McDonald, chuyên gia về địa lý của Đại học Melbourne nhận định giải pháp căn cơ cho vấn đề hạ tầng đô thị cần tính đến nhiều vấn đề khác ngoài vấn đề di dân cơ học.  

“Dân số nước Úc đang phát triển ở mức độ nhanh hơn tốc độ phát triển của hạ tầng đô thị. Chính phủ đã quá chậm trễ trong việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông công cộng đáp ứng yêu cầu của một đô thị trung tâm”. Giáo sư Peter nhận xét.

Chính đương kim Thủ tướng Úc, ông Morrison trong nhiều lần trả lời phỏng vấn vào thời điểm 10 năm trước, khi ông đang ở vị trí người phát ngôn của Đảng đối lập về vấn đề di trú đã đánh giá về đề xuất tương tự của Chính phủ do Đảng Lao động đang cầm quyền lúc đó là “một đề xuất hão huyền”. Do vậy, việc Chính phủ Morrison đề xuất lại giải pháp không mới này được nhiều người cho rằng chỉ là giải pháp tình thế nhằm xoa dịu sự bực dọc của phần lớn cư tri đang sinh sống tại hai thành phố Sydney và Melbourne, trước viễn cảnh thất bại trong kỳ bầu cử Quốc hội liên bang sắp tới.

Nước Úc là quốc gia đa văn hóa được xây dựng chủ yếu từ những người nhập cư. Lịch sử di cư hơn 200 năm của Úc cho thấy người nhập cư đã và sẽ tập trung ở những vùng đã có sẵn hạ tầng và dân số đông đúc.

Phóng viên Giang Vũ

Báo Doanh nhân Việt Úc