Công bố mới nhất của các trường đại học thuộc nhóm 8 trường đại học danh tiếng nhất nước Úc đã hé lộ nhiều thông tin cho các du học sinh đang có dự định đặt chân đến xứ sở này để học tập.
Đại học Quốc gia Australia (ANU), một trong 8 trường đại học danh tiếng nhất nước Úc mới đây đã công bố kế hoạch tuyển sinh của trường cho thời gian tới. Theo đại diện trường, số lượng sinh viên quốc tế và sinh viên Úc sẽ được giữ nguyên so với hiện nay, do lo ngại sự tăng trưởng không kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của nhà trường. Các sinh viên quốc tế ở đây bao gồm cả sinh viên đại học, cao học và các nghiên cứu sinh các chương trình.
Cùng chung kế hoạch như ANU, đại học New South Wales (UNSW) đánh giá việc duy trì tỷ lệ sinh viên quốc tế trong trường như hiện nay là hợp lý. Cụ thể, hiện cứ 4 sinh viên của trường thì có 1 sinh viên quốc tế, và con số này sẽ được duy trì ổn định trong thời gian sắp tới.
Trong khi đó, trả lời khảo sát, đại học Queensland (UQ) và đại học Melbourne lại có sự khác biệt với ANU trong kế hoạch tuyển sinh. Cụ thể, trường Đại học Queensland lại khẳng định sẽ tiếp tục chào đón sinh viên quốc tế ở cả bậc đại học, sau đại học và cao hơn theo cấp độ nghiên cứu và không nêu ra bất kỳ một con số tỷ lệ cụ thể nào. Song song với kế hoạch phát triển sinh viên quốc tế, Đại học Queensland vẫn đang nỗ lực hơn nữa để đa dạng hóa nguồn tuyển sinh, các môn học trường cung cấp và các khung chương trình liên kết mới.
Tương tự, đại diện của đại học Melbourne cho biết rằng nhu cầu học để lấy bằng quốc tế của các du học sinh tại đại học Melbourne trong những năm gần đây vẫn luôn duy trì ở mức cao và theo dự đoán sẽ không có dấu hiệu giảm nhiệt trong tương lai gần.
Trong khi đó, các trường còn lại trong Nhóm 8 bao gồm đại học Sydney, đại học Monash, đại học Tây Úc và đại học Adelaide từ chối tiết lộ thông tin liên quan đến kế hoạch tuyển sinh sắp tới.
Vai trò của sinh viên quốc tế đối với sự phát triển của các trường
Bà Vicki Thompson, giám đốc điều hành của top 8 các trường đại học tại Úc cho biết sự thành công của giáo dục quốc tế tại Úc là "tất cả các bên cùng có lợi".
Các trường đại học nhận được một khoản lợi ích tài chính không nhỏ từ sinh viên quốc tế. Trước thực trạng các nguồn tài trợ từ Chính phủ đang ngày càng hạn hẹp thì đây là một trong những nguồn thu quan trọng cho việc cải thiện cơ sở vật chất, đầu tư cho các quỹ nghiên cứu và các quỹ phát triển nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn thu từ sinh viên quốc tế để chi trả cho các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu sẽ khiến cho nền giáo dục đại học và sau đại học rất dễ bị tổn thương. Dễ nhận thấy nhất là khi sinh viên quốc tế không còn tiếp tục lựa chọn học tập tại Úc nữa thì nguồn thu của các trường sẽ bị suy giảm. Từ đó kéo theo cơ sở hạ tầng giáo dục vốn vẫn tồn tại dựa vào nguồn tài chính từ các du học sinh cũng không thể duy trì.
Ông Andrew Norton, Giám đốc giáo dục sau đại học tại Viện đào tạo Grattan cho biết sinh viên quốc tế có xu hướng lựa chọn các trường đại học có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng. Điều này đồng nghĩa dòng tiền từ sinh viên quốc tế sẽ tập trung chủ yếu về các trường này. Từ đó giúp trường phát triển và đầu tư vào cơ sở hạ tầng hơn nữa. Chắc chắn nguồn thu này sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ nếu các trường thu hẹp kế hoạch tuyển sinh sinh viên quốc tế hoặc chính phủ ban hành những chính sách khó khăn hơn khi xét hồ sơ cho các du học sinh sang Úc.
Qua thông tin khảo sát về xu hướng tuyển sinh của các trường đại học hàng đầu của Úc hiện nay, các học sinh có dự định đăng kí học ở Úc cần tìm hiểu kĩ các thông tin và có sự tham vấn kĩ càng từ các tổ chức tư vấn du học chuyên nghiệp để mở rộng cơ hội học tập tại quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới này.
Phóng viên Giang Vũ
Báo Doanh nhân Việt Úc