Facebook

Twitter

Copyright 2017 Nguyen Do Lawyers.

9:00 - 17:30

Thứ Hai - Thứ Sáu

+84 916 799 686

+61 401 399 996 (Zalo & Viber)

Facebook

LinkedIn

Search
Menu
 

Chương trình visa đầu tư trọng yếu (188C) có thực sự đem lại lợi ích cho nước Úc?

Chương trình visa đầu tư trọng yếu (188C) có thực sự đem lại lợi ích cho nước Úc?

Visa đầu tư trọng yếu (Significant Investor visa - SIV) (hạng mục 188C) là sáng kiến ​do Bộ Di trú Úc đưa ra như là một phần trong Chương trình Đầu tư và Đổi mới Kinh doanh (BIIP) của Bộ. SIV cung cấp visa tạm trú bốn năm với cơ hội chuyển qua visa thường trú (hạng mục 888) cho các doanh nhân và các cá nhân đặc biệt giàu có (HNWIs), sẵn sàng đầu tư ít nhất 5 triệu đô la vào các khoản đầu tư bắt buộc theo quy định.

Tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2018, đã có 2022 thị thực SIV được cấp kể từ khi bắt đầu chương trình vào ngày 24 tháng 11 năm 2012. Mặc dù chỉ chiếm 0,1% tổng số thị thực được cấp tới Úc mỗi năm, chương trình SIV đã trực tiếp mang lại khoảng 10,1 tỷ đô-la cho các khoản đầu tư bắt buộc tại Úc kể từ khi hình thành.

 

Số lượng thị thực SIV đã được cấp từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2018 (Nguổn: Bộ Di trú Úc)

Chương trình SIV đưa tới cơ hội thường trú nhân cho những doanh nhân giàu có thông qua một quy trình 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là xin cấp thị thực tạm thời, đây là thị thực Đầu tư và Đổi mới kinh doanh tạm thời hạng mục 188, cho phép nhà đầu tư và các thành viên gia đình đủ điều kiện ở lại Úc lên tới 4 năm 3 tháng. Để xin được thị thực này cần đáp ứng các yêu cầu về quy định đầu tư và cư trú.

 

Quy trình xin thị thực theo chương trình SIV (Nguồn: Bộ Di trú Úc)

Giai đoạn thứ hai là xin thị thực Đầu tư và Đổi mới kinh doanh vĩnh viễn (thường trú nhân) hạng mục 888, thị thực này cho phép ứng viên đủ điều kiện có thể sống và đầu tư kinh doanh tại Úc vô thời hạn. Để nhận được thị thực thường trú nhận thông qua chương trình SIV có thể mất ít nhất 6 năm.

 

Nguồn gốc quốc gia của các ứng viên được cấp thị thực SIV (từ 24/11/2012 đến 30/6/2018) (Nguồn: Bộ Di trú Úc)

Năm quốc gia có nhiều ứng viên nhận được thị thực SIV nhất tính đến giữa năm 2018 là Trung Quốc (87%), Nam Phi (3,2%), Hồng Kông (1,5%), Việt Nam (1,3%) và Malaysia (0,9%).

Phần lớn những người người giàu có lựa chọn tới Úc theo con đường SIV là do chất lượng cuộc sống, môi trường chính trị và cơ hội đầu tư tại quốc gia này. Đây là kết quả từ một khảo sát của Tổ chức Deloitte Access Economics.

 

Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của những người xin thị thực SIV tới Úc (Nguồn: Deloitte Access Economics)

Ngoài ra, khảo sát này cũng đưa ra một phát hiện thú vị, do giáo dục là lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ mang lại giá trị cao nhất cho nước Úc, nên giáo dục cho con cái cũng là một trong những lý do quan trọng để các phụ huynh nộp hồ sơ xin thị thực SIV.

 

Năm 2016, Ủy ban Năng suất quốc gia Australia đã tiến hành một cuộc nghiên cứu chuyên sâu về ảnh hưởng của dòng visa SIV đến chương trình nhập cư vào Úc, các chi phí và lợi ích của của Chương trình này với tư cách là một phần của Chương trình tổng thể về Đầu tư và Đổi mới Kinh doanh ở quy mô lớn hơn.

Theo đánh giá của Ủy ban Năng suất, Chương trình SIV đem lại các lợi ích xã hội và kinh tế cho Australia khá hạn chế khi so sánh với các thị thực thay thế khác và cho rằng không có nhiều lý do để duy trì loại thị thực này và nó có thể tạo ra một số hậu quả tiêu cực không lường trước được. Cơ quan này dẫn ra 4 lý do để đi đến kết luận này như sau:

  • 60% khoản đầu tư, bao gồm đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và tiền mặt dường như không mang lại bất kỳ tác động đáng kể nào đối với chi phí vốn cho các doanh nghiệp Úc
  • 10% khoản đầu tư là vốn đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân (VCPE) dường như không mang lại giá trị tạo lập hoạt động kinh tế đáng kể nào tại Úc. Nguyên nhân là do khu vực VCPE của Úc có quy mô nhỏ so với các nền kinh tế phát triển khác và có cơ hội đầu tư hạn chế. Do đó, chính phủ không nhất thiết phải buộc các nhà đầu tư đầu tư vào khu vực này và việc tăng ngưỡng lên 10% có vẻ chỉ mang lại lợi ích cho các nhà quản lý quỹ.
  • Các chi phí và rủi ro tiềm ẩn với thị thực của nhà đầu tư như không có yêu cầu về trình độ tiếng Anh hay mở rộng giới hạn tuổi có thể đặt những gánh nặng chi phí tài chính lên phần còn lại của xã hội Úc và không bù đắp cho bất kỳ lợi ích tiềm năng nào của chương trình.
  • SIV có thể bị lợi dụng để trở thành một phương tiện cho các hoạt động lừa đảo và rửa tiền. AUSTRAC, cơ quan phòng chống rửa tiền Australia cho biết việc theo dõi các nguồn vốn và tài sản khi xét visa SIV là công việc khó khăn. Ủy ban cũng nhấn mạnh các yêu cầu dễ dãi về cư trú đối với loại thị thực này tiềm ẩn phát sinh những hoạt động gian lận. Theo cơ quan này, những dòng visa đầu tư khác có khả năng thu hút các nhà đầu tư tốt hơn. Ví dụ, dòng visa doanh nhân tài năng (Visa Talent Business – hạng mục 132) tạo điều kiện nhập cư thuận lợi cho những người có khả năng kinh doanh và năng lực khởi nghiệp tốt – các tố chất này còn cần được kết hợp với các yêu cầu khác về tuổi tác, sức khỏe và giao tiếp tiếng Anh.

Từ những luận điểm trên, Ủy ban năng suất quốc gia Úc đã đưa ra đề nghị hủy bỏ chương trình SIV.

Kết luận của Ủy ban Năng suất nhận lại nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có quan điểm từ Austrade, Hiệp hội vốn đầu tư tư nhân và đầu tư mạo hiểm Úc (AVCAL), Cơ quan quản lý tài sản Úc Moelis (Moelis), và Bộ Di trú và Bảo vệ Biên giới (DIBP). Tất cả bốn tổ chức này đều nhất trí rằng chương trình SIV còn ở giai đoạn sơ khai, vì vậy không đủ bằng chứng để kết luận về lợi ích kinh tế của chương trình - đặc biệt là đánh giá những thay đổi đối với khung đầu tư bắt buộc. Theo đó, cần phải phát triển cơ sở minh chứng đầy đủ và thuyết phục hơn trước khi đưa ra quyết định dựa trên hiệu quả của chương trình.

Bên cạnh đó, các ý kiến phản bác quan điểm của Ủy ban Năng suất quốc gia Úc cho rằng SIV đem lại cho nước Úc các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài từ trung đến dài hạn nên tác động của Chương trình này cần có thời gian để chứng minh. Mặt khác, nguồn tiền đầu tư được sử dụng cho các mục tiêu hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, các dự án tiềm năng của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Úc cũng sẽ là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của các ý tưởng sáng tạo mới trong kinh doanh, qua đó giúp kích thích sự đổi mới của nền kinh tế và sự thịnh vượng chung của nước Úc.

Luật sư Đỗ Gia Thắng, Tổ hợp luật sư đa quốc gia Nguyễn Đỗ, chuyên gia về các dòng visa Đầu tư và Đổi mới kinh doanh cho rằng ý kiến của Ủy ban Năng suất quốc gia Úc về Chương trình SIV là khá vội vàng và phiến diện. Ông Thắng nhận xét, với kinh nghiệm của ông nhiều năm làm việc với các nhà đầu tư là cá nhân đặc biệt giàu có (HNWIs) đến Úc, thì nhà đầu tư SIV thường là những người có tiềm năng tài chính, nhiều kinh nghiệm trong đầu tư cùng kỹ năng và sự nhạy bén trong kinh doanh. Nếu không có chương trình SIV này, họ có nhiều sự lựa chọn hấp dẫn để đầu tư tới các quốc gia khác đang cạnh tranh quyết liệt với Australia để thu hút nguồn vốn đầu tư quốc tế.

Như vậy, có thể thấy rằng Chính phủ Morrison trước khi quyết định tương lai của Chương trình SIV cần lưu ý đánh giá tổng thể ảnh  hưởng mà chương trình SIV mang lại lợi ích kinh tế cho Úc. Đặc biệt, cần tính toán chính xác tác động kinh tế có tính truyền dẫn kích thích đối với nền kinh tế, tức là nếu không có SIV sẽ dẫn đến sự suy giảm đầu tư nước ngoài so với những ảnh hưởng tiêu cực mà Chương trình này có thể mang lại để có quyết định phù hợp nhất.

Theo PV Thu Hà