Mới đây, Bộ trưởng Di trú David Coleman đã tuyên bố rằng Chính phủ đang xem xét lại chương trình thị thực đầu tư và kinh doanh - trong đó SIV là trọng tâm, với mong muốn thiết lập một “thỏa thuận có lợi hơn” từ thị thực này.
Thị thực SIV đưa đến một lộ trình hợp lý để người nhập cư có được thường trú nhân nếu họ đáp ứng được yêu cầu chi 5 triệu đô-la đầu tư cho nước Úc. Đây là hạng mục thị thực gây nhiều tranh cãi và còn được gọi là thị thực “trả tiền để được định cư”.
Theo ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Úc, dòng thị thực SIV và đã thu hút hàng tỷ đô-la đầu tư cho các doanh nghiệp Úc, chương trình SIV ở Úc đã mang lại thành nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Úc...
Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch VBAA phát biểu trong một Hội nghị xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Australia
Nguồn ảnh: Báo Doanh nhân Việt Úc
Theo thống kê của Bộ Di trú Úc, Chương trình SIV đã mang lại hơn 11 tỷ đô-la đầu tư trực tiếp kể từ khi bắt đầu vào năm 2012. Ước tính các khoản đầu tư nối tiếp được các nhà đầu tư SIV rót thêm có giá trị gấp 4 đến 5 lần so với mức 5 triệu đô-la bắt buộc theo chương trình, nghĩa là tổng vốn đầu tư thực tế vào Úc có thể lên tới 50 tỷ đô la.
Vào năm 2015, chương trình thị thực này đã được điều chỉnh để chuyển hướng sang dạng đầu tư mạo hiểm và tập trung vào các công ty mới nổi, không liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Lợi ích phía sau thị thực đầu tư
Theo luật sư Đỗ Gia Thắng, Tổ hợp Văn phòng luật đa quốc gia Nguyễn Đỗ cho biết với dòng visa SIV, nhà đầu tư không cần đáp ứng điều kiện về điểm nhập cư như thị thực cho nhà đầu tư và đổi mới kinh doanh, không cần chứng minh có hoạt động kinh doanh hay đầu tư trong quá khứ. Bên cạnh đó, nhà đầu tư chỉ cần dành 40 ngày ở Úc mỗi năm trong 4 năm để đủ điều kiện để chuyển sang visa định cư vĩnh viễn.
Mỗi năm có khoảng 7.000 thị thực được cấp cho toàn bộ chương trình thị thực đầu tư và kinh doanh. Tuy phần lớn trong số đó là thị thực cho các dòng visa đầu tư không phải SIV, nhưng tổng mức đầu tư do dòng SIV đẩy vào nền kinh tế Úc chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng giá trị đầu tư của toàn bộ chương trình mang lại.
Có 183 thị thực SIV đã được cấp trong năm 2017-2018, và theo số liệu được công bố vào tháng 2/2019 thì dự kiến số thị thực SIV tương tự cũng sẽ được cấp trong năm 2018-2019.
Thống kê theo quốc gia có công dân tham gia chương trình này, tính đến năm 2018 công dân Trung Quốc chiếm 87% tổng số thị thực SIV được cấp, tiếp theo là Hồng Kông (3,2 %), Malaysia (1,5 %), Nam Phi (1,3 %) và Việt Nam (0,9 %). Những thị thực thường trú nhân đầu tiên theo chương trình đã được cấp trong năm 2017-2018, và có khoảng 700 thị thực thường trú nhân đã được cấp vào ngày 31 tháng 1 năm 2019.
Kết quả thống kê nửa đầu năm 2019 cho thấy dòng vốn đến từ các nhà đầu tư trọng yếu theo chương trình SIV đang được “duy trì mạnh mẽ”. Mặc dù một số nhà đầu tư đã kết thúc chu kỳ đầu tư 4 năm và đã xin được visa định cư vĩnh viễn, nhưng nhiều người vẫn giữ khoản tiền đầu tư tại các Quỹ đầu tư được Chính phủ chỉ định.
Năm quốc gia có nhiều công dân nắm giữ thị thực SIV nhất
Nguồn ảnh: Moelis
Chính phủ muốn hướng tới một “thỏa thuận có lợi hơn”
Mặc dù theo đánh giá từ các chuyên gia thì nước Úc đã thu về những lợi ích hợp lý từ SIV, nhưng Chính phủ vẫn muốn mở rộng tham vọng của mình. Theo Bộ trưởng Di trú David Coleman, nhập cư vào Úc là lựa chọn rất hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư và ông muốn đảm bảo rằng Chính phủ có thể tối đa hóa lợi nhuận cho nền kinh tế đất nước từ khoản đầu tư của đối tượng này. Tuy nhiên, những dự kiến thay đổi cụ thể chưa được tiết lộ.
Bộ trưởng David Coleman kỳ vọng một “thỏa thuận có lợi hơn” từ thị thực kinh doanh và đầu tư
Nguồn ảnh: ABC News
Vào năm 2016, một báo cáo về chương trình di cư của Úc đã lập luận rằng SIV nên bị bãi bỏ. Theo báo cáo này, lợi ích kinh tế mà SIV mang lại không đáng kể mà chủ yếu chỉ là những nhà đầu tư có được thị thực và các nhà quản lý quỹ là được hưởng lợi. Báo cáo này cũng nhận định rằng tác động xã hội mà những người nhập cư theo thị thực SIV mang lại không đáng khuyến khích khi so với những người nhập cư diện tay nghề.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải xem xét sự cạnh tranh trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư quốc tế từ Mỹ và châu Âu. Rõ ràng chương trình SIV của Úc là loại thị thực thu về giá trị đầu tư cao nhất khi xét đến các yêu cầu đầu tư, chẳng hạn như số tiền 5 triệu đô-la, đây là mức yêu cầu cao hơn nhiều so với hầu hết các chương trình cạnh tranh của các nước khác. Chính phủ chỉ nên cân nhắc tăng tỷ lệ vốn phải đầu tư vào các công ty mới nổi, thay vì tăng giá trị đầu tư tối thiểu vì những gì nước Úc đã nhận được đã là hợp lý.
Giang Vũ
Báo doanh nhân Việt Úc