Chính phủ Úc đã để xuất một số thay đổi đối với việc kiểm tra nhân thân. Bộ Di trú cho biết điều này đồng nghĩa rằng sẽ có nhiều người di cư bị trục xuất, tuy nhiên cơ quan này chưa thể đưa ra con số ước tính.
Kế hoạch siết chặt bài kiểm tra nhân thân đối với dân di cư của Úc nhằm tạo thuận lợi cho việc trục xuất tội phạm nước ngoài dễ dàng hơn. Theo đề xuất trong dự luật, những người nước ngoài bị kết án vì một hành vi phạm tội nằm trong khung hình phạt tối đa từ hai năm trở lên sẽ đương nhiên bị coi là không vượt qua được khâu kiểm tra nhân thân, bất kể họ có phải ngồi tù hay không. Trong khi đó, theo quy tắc hiện hành thì những người có thị thực bị kết án giam giữ 12 tháng tù trở lên mới bị trục xuất.
Theo Thư ký Bộ trưởng, ông Michael Willard, dự luật mới sẽ cung cấp một tiêu chuẩn hành vi rõ ràng đối với những người có thị thực. Ông cho biết điều kiện thắt chặt hơn sẽ làm tăng số dân di cư bị trục xuất nhưng Bộ chưa thể đưa ra con số chính xác về những người bị ảnh hưởng.
Nghị sĩ Đảng Lao động, ông Kim Carr, chất vấn các quan chức Bộ Nội vụ
Nguồn ảnh: Nghị viện
Thượng nghị sĩ Đảng Lao động, ông Kim Carr, ngạc nhiên trước việc Bộ Di trú không cung cấp được những số liệu ước tính khi mà các quy tắc mới đề xuất được tuyên bố là một giải pháp “khách quan”.
Theo dự đoán của các chuyên gia, số dân di cư thất bại trong bài kiểm tra nhân thân nếu áp dụng theo luật mới đề xuất sẽ tăng lên gấp năm lần. Chẳng hạn như hành động tấn công thông thường hiếm khi dẫn đến án tù nhưng cũng sẽ bị trục xuất.
Nhiều người phản đối dự luật mới này và cho rằng những thay đổi là không cần thiết khi mà chính phủ đã có thêm quyền hạn trong việc trục xuất các đối tượng bị coi là mối đe dọa đối với cộng đồng. Tuy nhiên, ông Michael Willard bác bỏ lập luận này. Thực tế, một số quyết định sử dụng các điều khoản đó đã bị các tội phạm nước ngoài kháng cáo thành công trong quá khứ. Ông viện dẫn trường hợp một người đàn ông có thị thực bắc cầu và đã nộp đơn xin thường trú, người này bị kết án theo dõi bạn tình và đe dọa gây thương tích nghiêm trọng cho cô. Chính phủ đã hủy thị thực của anh ta, nhưng sau đó thị thực lại được phục hồi khi người này kháng cáo thành công và được phép ở lại Úc. Trong một ví dụ khác, một người đàn ông ở Queensland phạm tội xâm hại tình dục đã được hưởng án treo 2 năm nhờ có thái độ và hành vi hối cải, và vì vậy không nằm trong diện bị trục xuất theo quy tắc hiện hành. Tuy nhiên, khi áp dụng cơ chế mới, người này sẽ tự động thất bại trong vòng kiểm tra nhân thân vì tội xâm hại tình dục nằm trong khung án tù tối đa 14 năm.
Trong một bản đệ trình lên Thượng viện nhằm phản đối dự luật, cựu cố vấn chính sách của đảng Lao động, đồng thời là một chuyên gia về di trú, ông Henry Sherrell, đã bày tỏ quan ngại về việc dự luật sẽ có hiệu lực hồi tố, nghĩa là bất kỳ ai từng phạm tội trong quá khứ đều có nguy cơ bị trục xuất căn cứ theo điều kiện kiểm tra nhân thân mới. Ông cho rằng điều này ảnh hưởng rất lớn đến những di dân đã sống tại Úc một thời gian dài, những người đã tuân thủ luật pháp, và rồi các quy định lại thay đổi sau khi họ đã hành động và trả giá cho những tội phạm mà mình đã gây ra.
Những tác động lớn đối với người New Zealand
Bất kỳ thay đổi nào đối với việc kiểm tra nhân thân đều có tác động mạnh mẽ đối với người New Zealand, nhóm dân ngoại quốc có thể sống và làm việc vô thời hạn tại Úc thông qua các loại thị thực tạm trú.
Khi quy định về kiểm tra nhân thân thay đổi trong lần gần đây nhất vào năm 2014, đã có tới hơn 1000 người New Zealand bị gửi trả về nước trong giai đoạn 2016-2018. Điều mà Thủ tướng nước này, bà Jacinda Ardern, đã nhận định là một sự tổn hại trong quan hệ hai nước. Bà Ardern cho rằng đề xuất thay đổi mới này sẽ một lần nữa “bào mòn” mối quan hệ song phương.
Ông Sherrell đề nghị chính phủ nếu triển khai những thay đổi này thì nên cân nhắc những điều luật đặc biệt để giảm thiểu nguy cơ tác động tới người New Zealand.
Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thảo luận về vấn đề trục xuất người New Zealand trong chuyến thăm vào tháng trước.
Nguồn ảnh: AAP
Tuy nhiên Thủ tướng Scott Morrison không thay đổi quan điểm trước những phản hồi của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern về chính sách trục xuất của Úc.
Thay mặt chính phủ, Bộ trưởng Di trú David Coleman đã trình bày trước Nghị viện vào tháng trước rằng đây là dự luật nhằm bảo đảm những người bị kết án phạm tội nghiêm trọng có thể bị từ chối cấp thị thực hoặc hủy thị thực. “Dự luật đưa ra một thông điệp rất rõ ràng cho tất cả những người không phải là công dân Úc, rằng cộng đồng Úc không khoan nhượng đối với người ngoại quốc bị kết án vì những tội danh này.” – ông Coleman nói.
Bộ trưởng David Coleman cho rằng việc thắt chặt điều kiện kiểm tra nhân thân đã gửi đến các di dân một thông điệp rõ ràng
Nguồn ảnh: SBS
Ông Coleman khẳng định việc nhập cảnh và định cư ở Úc là một đặc quyền, chứ không phải là quyền lợi. Những người vi phạm pháp luật và không tuân thủ các quy tắc ứng xử mà cộng đồng Úc đặt ra sẽ bị tước đi đặc quyền đó.
Nguồn: Tổng hợp