Facebook

Twitter

Copyright 2017 Nguyen Do Lawyers.

9:00 - 17:30

Thứ Hai - Thứ Sáu

+84 916 799 686

+61 401 399 996 (Zalo & Viber)

Facebook

LinkedIn

Search
Menu
 

Chính sách di trú Úc còn nhiều vấn đề tiềm ẩn

Chính sách di trú Úc còn nhiều vấn đề tiềm ẩn

Các kế hoạch của Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton (chính giữa) và Thủ tướng Scott Morrison (bên phải) đang bỏ qua các động lực đối với thị trường lao động ngoài các thành phố trung tâm lớn.

Nguồn ảnh: AAP | Mick Tsikas

Rủi ro từ hai dòng thị thực theo khu vực địa phương mới ban hành

Chính phủ liên bang đã triển khai hai loại thị thực mới đối với dòng visa khu vực từ ngày 16/11/2019, mà có thể mang lại những rủi ro đáng kể cho cả chính phủ và những người nộp hồ sơ visa. Tỷ lệ hồ sơ chấp thuận có thể rất thấp, khi số lượng đã đạt mức kỳ vọng của chính phủ có thể dẫn tới gia tăng số lượng nhân viên tạm thời bị lạm dụng sức lao động và rất nhiều người di cư sẽ rơi vào trạng thái bất ổn khi không rõ mình có thể tiếp tục được ở lại định cư hay không.

Chính sách thị thực khuyến khích di dân đến định cư ở các khu vực địa phương và các thành phố nhỏ của Úc đã tồn tại trong khoảng hai mươi lăm năm qua. Những thay đổi về thị thực này thoạt tiên có vẻ không đáng kể. Một loại thị thực mới cho lao động lành nghề do nhà tuyển dụng địa phương bảo lãnh sẽ thay thế cho “Chương trình Di cư được địa phương bảo lãnh (Regional Sponsored Migration Scheme - RSMS)” hiện hành đã được duy trì từ năm 1995 đến nay. Bên cạnh đó, loại thị thực tạm thời do chính quyền bang khu vực hoặc địa phương bảo lãnh (thị thực số 489) sẽ được thay thế bằng thị thực mới với tên gọi thị thực diện lao động lành nghề theo khu vực (Skilled Work regional visa).

Tuy nhiên, những thay đổi này thực tế lại phát sinh rất nhiều vấn đề khi nhìn vào chi tiết. Với chương trình di cư hiện tại - RSMS, người di cư sẽ được cấp thường trú nhân (Permanent Residence –PR) ngay khi có hợp đồng lao động hai năm, còn thị thực mới do nhà tuyển dụng địa phương bảo lãnh sẽ chỉ là thị thực tạm thời. Thị thực tạm thời mới có vẻ dễ dàng hơn về mặt giấy tờ, nhưng thực tế là với cả hai loại thị thực mới đều khó có thể chuyển sang dạng định cư lâu dài (PR).

Cả hai chương trình thị thực mới đều đòi hỏi người nhập cư phải sống và làm việc trong ba năm tại một khu vực địa phương hoặc tại một thành phố nhỏ hơn (như Adelaide, Hobart, Canberra và Darwin) mới đủ điều kiện tiến tới thường trú nhân (PR). Họ cần chứng minh mức lương tối thiểu hàng năm của mình là 53,400 đô-la Úc. Ngoài ra, người sở hữu thị thực do nhà tuyển dụng địa phương bảo lãnh còn phải đảm bảo duy trì làm việc ở cùng một ngành nghề trong ba năm (ngành nghề được phân loại theo hệ mã công việc ANZSCO do Bộ Di trú áp dụng); ngay cả những thay đổi nhỏ trong công việc - ví dụ như chuyển từ một công việc điều dưỡng này sang một công việc điều dưỡng khác – cũng có khả năng ảnh hưởng lớn tới điều kiện để nhập cư dài hạn của người nhập cư.

Trong khi đó, thị thực RSMS hiện tại chỉ yêu cầu người lao động mới đến phải ký hợp đồng hai năm với chủ lao động trong khu vực địa phương; và thị thực khu vực tạm thời do chính quyền bang hoặc lãnh thổ bảo lãnh yêu cầu người giữ thị thực đã sống tại khu vực địa phương đó ít nhất hai năm, làm việc tại địa phương đó từ một năm trở lên, và chỉ cần có mức thu nhập cao hơn mức lương toàn thời gian tối thiểu theo quy định.

Không nhiều người di cư đáp ứng được yêu cầu mới về mức lương này. Những lao động lành nghề có kinh nghiệm ở các thành phố lớn như Sydney và Melbourne có thể dễ dàng kiếm được khoản thu nhập 53,400 đô-la nhưng đối với sinh viên vừa tốt nghiệp và ở các bang Nam Úc, Tasmania, hoặc nhiều vùng địa phương khác của Úc thì con số này là quá cao. Vào tháng 5 năm nay, thu nhập trung bình hàng năm của người lao động ở khu vực kinh tế tư nhân tại Nam Úc là 52,265 đô-la và 49,322 đô-la ở Tasmania. Ở các khu vực địa phương khác con số thậm chí còn thấp hơn. Tất nhiên khi có kỹ năng cao hơn thì người nhập cư sẽ nhận được mức lương tốt hơn, nhưng việc yêu cầu các sinh viên mới tốt nghiệp phải sớm có tay nghề cao sẽ dẫn tới nguy cơ họ bị bóc lột sức lao động.

  • Thị thực cho lao động lành nghề do nhà tuyển dụng địa phương bảo lãnh (RSMS phiên bản mới)

Phiên bản mới của RSMS hay thị thực cho lao động lành nghề do nhà tuyển dụng địa phương bảo lãnh được phân bổ 9,000 suất cho năm 2019-2020. Số thị thực này sẽ được cấp trong vòng bảy đến tám tháng - tương đương với số lượng được cấp cho toàn bộ năm 2018-2019 theo chương trình RSMS hiện tại. Những thay đổi được thực hiện trong năm 2018 đã dẫn đến sự sụt giảm quá lớn trong số lượng nộp hồ sơ theo RSMS khiến phần lớn trong số thị thực nộp năm 2018-2019 được nộp theo các điều kiện của chương trình RSMS cũ. Phiên bản mới của RSMS sẽ bao gồm tất cả những thay đổi từ năm 2018 này, cộng thêm một số điều kiện khắt khe hơn, cụ thể:

  • Độ tuổi tối đa cho người nộp đơn đã giảm xuống còn 45 (hiện tại là 50);
  • Yêu cầu tiếng Anh được thắt chặt;
  • Kinh nghiệm làm việc lành nghề tối thiểu là 3 năm;
  • Khoản phí 3,000 đô-la nộp cho Quỹ Đào tạo Tay nghề Úc (Skilling Australia Fund) được áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và 5,000 đô-la đối với các doanh nghiệp lớn cho mỗi lao động nhập cư mà họ tiến cử;
  • Phải thực hiện bài đánh giá tay nghề chính thức. Không trường hợp nào được miễn trừ kể cả khi ứng viên đã được đánh giá tay nghề trong quá trình xin thị thực tốt nghiệp tạm thời sau khi tốt nghiệp từ một tổ chức giáo dục của Úc;
  • Mở rộng số lượng nghề nghiệp đủ điều kiện xin thị thực.

Những thay đổi này khiến phiên bản mới của RSMS kém hấp dẫn hơn so với thị thực do nhà tuyển dụng bảo lãnh thông thường và có nguy cơ 9,000 suất thị thực dành cho hạng mục này sẽ không được sử dụng hết. Điều này đi ngược lại chủ trương khuyến khích di dân đến khu vực địa phương của chính phủ.

  • Thị thực tạm thời theo khu vực diện lao động lành nghề (do chính quyền bang/ vùng lãnh thổ tiến cử)

Chính phủ đã lên kế hoạch cấp 24,986 suất thị thực vào năm 2019-2020 cho hai trong số các hạng mục thị thực hiện tại do tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ bảo lãnh- gồm tiểu loại 190 và 489. Trong tháng 7 và tháng 8 năm nay, các chính quyền tiểu bang và vùng lãnh thổ đã bảo lãnh 1,130 trường hợp người nhập cư theo dòng thị thực 190 và 3,197 người nhập cư theo diện thị thực 489. Trong số hồ sơ diện 489 được bảo lãnh, bang Nam Úc chiếm hơn 1 nửa số lượng hồ sơ, Tasmania và New South Wales mỗi bang chiếm khoảng 1/5 số lượng hồ sơ, số lượng còn lại thuộc về các bang và vũng lảnh thổ khác.

Nếu theo tiến độ này, 24,986 suất thị thực được cấp có vẻ sẽ đạt được theo kế hoạch, nhưng  khi diện thị thực 489 không còn hiệu lực kể từ ngày 16/11 thì tất cả các chính quyền tiểu bang/ vùng lãnh thổ sẽ cần tăng số lượng hồ sơ bảo lãnh theo diện visa tay nghề 190 so với hai tháng đầu năm 2019-2020.

Nhu cầu xin thị thực diện 190 của sinh viên tốt nghiệp tạm thời ở Úc hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên nếu thị trường lao động không có dấu hiệu khởi sắc, chính quyền tiểu bang/vùng lãnh thổ có thể sẽ xét đến việc hạn chế số lượng người di cư được bảo lãnh cho thị thực 190, điều trực tiếp ảnh hưởng tới kế hoạch 24,986 suất thị thực được cấp.

Liên bang đã phân bổ thêm 14,000 suất cho dòng thị thực tạm thời mới do tiểu bang/ vùng lãnh thổ bảo lãnh bắt đầu từ ngày 16/11/2019. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng sẽ có khả năng cao các bang Victoria, Queensland, Tây Úc và Lãnh thổ Thủ đô Úc (ACT) sẽ tiếp nhận rất ít hồ sơ thuộc dòng thị thực này, lý do đến từ thực tế thiếu nghiêm trọng các công việc có hợp đồng 3 năm với mức lương 53,400 đô-la Úc/năm. Chính quyền dưới sự kiểm soát của Đảng Lao động tại các tiểu bang/ vùng lãnh thổ này có thể thiên về thị thực 190 hơn, dòng thị thực cho phép người nhập cư có thể trở thành thường trú nhân ngay lập tức.

Chính phủ liên bang sẽ gây áp lực đặc biệt cho bang Nam Úc và Tasmania để nâng cao số lượng người di cư được bảo lãnh theo thị thực tạm thời mới. Chính quyền ở cả hai bang này sẽ cần thận trọng trước nguy cơ bóc lột lao động và nghèo đói, đặc biệt là Nam Úc; và người nhập cư cũng cần nhận thức được việc được chính quyền địa phương bảo lãnh không đồng nghĩa với việc họ sẽ kiếm được một công việc lành nghề với mức lương phù hợp.

Nguy cơ tiềm ẩn đằng sau các thỏa thuận DAMA

Bên cạnh đó, chính phủ cũng đang thương thảo một thỏa thuận mới bổ sung tại một số khu vực, được biết tới là “Thỏa thuận di cư theo từng khu vực ấn định (DAMA)”. Đây là các thỏa thuận bổ sung được đàm phán giữa chính phủ liên bang và từng địa phương cụ thể, thông thường sẽ cho phép các nhà tuyển dụng địa phương được tuyển lao động tạm thời với trình độ tiếng Anh hạn chế và mức lương rất thấp. Những công việc điển hình là thợ chế biến thịt, nông dân, bồi bàn, đầu bếp và lái xe tải. Thị thực cấp theo DAMA không được tính là một phần trong chương trình di trú dài hạn.

Trên thực tế, các thỏa thuận DAMA này giúp cho chính quyền địa phương và khu vực tránh phải chịu trách nhiệm trước chính phủ liên bang trong việc bảo vệ người lao động khỏi bị bóc lột. Do trình độ kỹ năng thấp và tiếng Anh nhìn chung là kém, những người lao động này khó có cơ hội để xin được tạm trú hay định cư dài hạn, và hầu hết sẽ phải rời khỏi Úc khi hết thời hạn thị thực tạm thời. Vì lẽ đó, họ hoàn toàn trở nên phụ thuộc vào người thuê lao động. Nếu bị sa thải, nhiều người trong số họ - những người đã dành nhiều năm làm việc và sống tại các vùng địa phương của Úc – sẽ có nguy cơ bị bóc lột sức lao động nặng nề hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng việc ký kết các DAMA không phải là một chủ trương hướng tới lợi ích cộng đồng khi để những người nhập cư tạm thời phải hoàn toàn phụ thuộc vào một người thuê lao động. Nó đang đi theo vết xe đổ trong chính sách nhập cư mà Hoa Kỳ và các quốc gia Châu Âu đã thực hiện, trong khi những quốc gia này còn đang cố gắng học hỏi kinh nghiệm của Úc.

Sự gia tăng di dân tị nạn

Các khu vực địa phương Úc đang bắt đầu cảm nhận được gánh nặng khi số lượng người xin tị nạn tăng cao. Theo ghi nhận, hầu hết số lượng di dân này làm việc trong các trang trại - khoảng 95,000 người. Tỉ lệ nghịch với số lượng người xin tị nạn ngày càng tăng, là sự sụt giảm trong số lượng lao động thời vụ và người nhập cư tạm thời có tay nghề cao, được thể hiện trong biểu đồ dưới đây (Không nhóm nào trong số những lao động này được tính là một phần của chương trình di trú)

Tổng hợp số người nhập cư tạm thời có tay nghề cao và lao động thời vụ
cư trú tại Úc hàng năm

 

Nguồn: Trang web của Bộ Nội vụ

Ghi chú: Dữ liệu về số lao động thời vụ cuối tháng 6/2019 chưa được công bố, nhưng số thị thực cấp lần đầu cho những lao động này đã giảm đáng kể trong năm 2018-2019.

Chính phủ cũng đã dành 5,000 suất xét duyệt cho hạng mục thị thực tài năng toàn cầu mới, nhằm thu hút những người có kỹ năng đặc biệt trong các ngành trọng điểm và thị trường mới nổi. Mặc dù chính phủ đặt nhiều kỳ vọng vào dòng thị thực này, các công ty di trú cho biết tỷ lệ chấp thuận vẫn còn thấp.

Kết quả dự tính của chính sách thu hút di dân tới địa phương

Theo Kế hoạch Dân số tháng 3/2019 của chính phủ, mục tiêu chính của Chương trình Di trú 2019-2020 là tăng số lượng người có tay nghề định cư ở các khu vực địa phương của Úc trong khi giảm số người định cư ở các thành phố lớn. Như biểu đồ dưới cũng cho thấy, sự gia tăng dự tính về số lượng thị thực theo khu vực là thực sự ấn tượng.

Số lượng thị thực nhập cư theo khu vực và theo bang- mới được cấp

Nguồn: Báo cáo Chương trình di trú của Bộ Nội vụ năm 2018-2019

Lưu ý: Đối với năm 2018-2019, biểu đồ chỉ bao gồm thị thực cư trú tạm thời và thường trú được tính như một phần của chương trình di trú chính thức. Kết quả cho năm 2018-2019 không bao gồm một số lượng nhỏ thị thực kinh doanh do chính quyền bang bảo lãnh. Các thỏa thuận DAMA không được tính vào số liệu này vì không có lộ trình đến thường trú nhân. Theo kế hoạch năm 2019-2020, có tổng cộng 3,000 suất thị thực sẽ được cấp theo RSMS nhưng số hồ sơ đăng ký thực tế chưa xử lý có khả năng sẽ cao hơn nếu có sự gia tăng đột biến về hồ sơ xin thị thực RSMS trước ngày 16/11/2019.

Tuy nhiên, có căn cứ khi nghi ngờ về mức độ chính xác của các dự tính này. Những thách thức và rủi ro đáng kể của những thay đổi chính sách nêu trên khiến nhiều chuyên gia cho rằng chính phủ liên bang cần đánh giá thực tế hơn các tác động để đưa ra dự tính phù hợp.

Có thể thấy, mặc dù tổng số thị thực di cư theo khu vực và bang cụ thể theo kế hoạch năm 2019-2020 ít hơn mức đỉnh điểm trong năm 2012-2013, nhưng rủi ro đối với cá nhân những người sở hữu thị thực lại tăng lên bởi bốn yếu tố: (1) tốc độ gia tăng số lượng; (2) nhu cầu lao động tương đối giảm tại các địa phương; (3) sự gia tăng tỷ lệ thị thực tạm thời; và (4) các điều kiện khó khăn hơn nhiều để xin định cư dài hạn.

Còn về phía chính phủ, thách thức nhãn tiền là làm sao để cấp hết hạn ngạch 50,000 thị thực nhập cư theo vùng và khu vực địa phương theo kế hoạch trong năm 2019.

Hiện tại, nhu cầu xin thị thực để ở lại Úc rất cao với số lượng thị thực tạm thời của sinh viên vừa mới tốt nghiệp đang tăng nhanh chóng tại Úc. Vào cuối tháng 6, có khoảng 90,000 sinh viên tốt nghiệp tạm thời cư trú tại Úc và hàng ngàn người khác đã xin lại thị thực du học để học thêm bằng cấp bổ sung và/ hoặc để tích lũy được 03 năm kinh nghiệm làm việc cần thiết nhằm đủ điều kiện xin thị thực thường trú do nhà tuyển dụng bảo lãnh. Tuy nhiên, hầu hết những người này đều sống ở các thành phố trung tâm lớn, còn chính phủ liên bang thì tin rằng sẽ có nhiều người trong số họ sẵn sàng chuyển đến vùng địa phương khác trên nước Úc để xin được thị thực mới.

Giải pháp của chính phủ liên bang

Có lẽ nhận diện được các thách thức, chính phủ đang thực hiện những bước hạn chế lựa chọn đối với người di cư tiềm năng, buộc nhiều người trong số họ chỉ còn cách phải xin thị thực theo khu vực. Chính phủ chỉ cấp 30,000 suất thị thực do nhà tuyển dụng bảo lãnh nói chung trong năm 2019-2020 (ít hơn rất nhiều so với 40,000 đến 50,000 suất như những năm gần đây) và con số đó đã bao gồm thị thực được cấp theo RSMS hiện hành.

Để chuyển trọng tâm của chương trình di trú sang các khu vực địa phương của Úc, chính phủ cũng đã giảm đáng kể số thị thực dành cho diện lao động tay nghề độc lập được xét theo hình thức tính điểm tay nghề. Đây là loại thị thực nổi bật nhất ở Úc với tư cách là một điểm đến hàng đầu của người nhập cư trong 30 năm qua và thường được các quốc gia khác như Anh và Mỹ học hỏi kinh nghiệm nhờ những ảnh hưởng mạnh mẽ tới thị trường lao động mà đối tượng nhập cư này mang lại.

Mức suy giảm số lượng thị thực lao động tay nghề độc lập được cấp trong năm 2019 thậm chí còn lớn hơn mức được thể hiện trên biểu đồ dưới đây vì chính phủ hầu như đã ngừng cấp loại thị thực này vào tháng 8 và tháng 9 năm nay. Nếu chính phủ kiên trì với chiến lược này trong nhiều tháng nữa, nhiều hồ sơ sẽ phải rút khỏi chương trình vì quá hạn và thậm chí việc giảm hạn ngạch thị thực cho danh mục này đã được lên kế hoạch cho năm 2019-2020.

Số lượng thị thực lao động tay nghề độc lập tính điểm tay nghề mới được cấp

http://insidestory.org.au/wp-content/uploads/rizvi3.jpg

Nguồn: Trang web của Bộ Nội vụ.

Ghi chú: Các số liệu năm 2018-2019 và 2019-2020 là số liệu dự tính, giả định số lượng thị thực có tay nghề độc lập được cấp cho công dân New Zealand là tương đương mức của năm 2017-2018. Trước 2017-2018, các công dân New Zealand tiếp cận thị thực có tay nghề độc lập không được tính là một phần của chương trình di trú.

Chủ trương cắt giảm số lượng xét duyệt đối với dòng thị thực có tay nghề độc lập sẽ nâng cao vai trò của dòng thị thực do chính quyền bang hoặc vùng lãnh thổ bảo lãnh trong chương trình di trú 2019-2020.

Các vấn đề còn tồn tại trong thị trường lao động

Sự trì trệ trong thị trường lao động của Úc đang tạo thêm sức ép lên chính sách di trú hướng tới khu vực địa phương. Ở các bang vốn có số lượng bảo lãnh cao thì hiện tại tỷ lệ thất nghiệp cũng cao và có chiều hướng gia tăng. Tỷ lệ thất nghiệp ở Nam Úc tăng từ 5,5% lên 6,8% tính đến tháng 8 năm 2019, tỷ lệ lao động tìm việc toàn thời gian tăng lên 7,4%. Ở Tasmania, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 5,9% lên 6,6% so với cùng kỳ, tỷ lệ lao động tìm việc toàn thời gian tăng lên 7,3%. Thực trạng này khiến Nam Úc và Tasmania không thể tận dụng tối đa chính sách về thị thực mới.

Ngoài ra, thách thức còn đến từ sự thiếu tương thích giữa kỹ năng, năng lực của ứng viên tìm việc với các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Theo thống kê tới tháng 8/2019, ở Nam Úc còn 11,500 vị trí việc làm chưa tuyển được người và ở Tasmania là 3,700 vị trí, bất chấp tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao ở các bang này.

Trong khi đó số lượng việc làm của tháng 8 năm 2019 tại New South Wales (76,200) và Victoria (65,400) vẫn là cao nhất, và nhiều khả năng sẽ tập trung chủ yếu tại Sydney và Melbourne.

Biểu đồ dưới đây cho thấy tỷ lệ cơ hội việc làm trên tổng số người thất nghiệp. Tỷ lệ này liên tục tăng lên trong vài năm gần đây cho thấy dù nhiều người có nhu cầu tìm việc nhưng các vị trí tuyển dụng lại không tương thích với khả năng của họ. Xu hướng này đã có chiều hướng đảo ngược vào năm 2019, tuy nhiên, tổng số vị trí tuyển dụng còn trống vẫn rất đáng kể. Trên thực tế, nhiều sinh viên nước ngoài chọn học các ngành thương mại và tài chính, những ngành nghề mà ở Úc không có nhu cầu tuyển dụng cao, càng làm phức tạp thêm tình hình này.

Vị trí tuyển dụng trên tổng số người thất nghiệp

Nguồn: Cục Thống kê Úc, Ấn phẩm số 6202 và 6354

Chính sách nhập cư của chính phủ ít có khả năng khắc phục những thiếu hụt này, và việc cắt giảm ngân sách cho giáo dục và đào tạo nghề sau tốt nghiệp sẽ khiến vấn đề tồi tệ hơn.

Với tình hình này, nếu muốn đạt được các mục tiêu dự định của Chương trình Di trú 2019-2020, chính phủ cần có những thay đổi chính sách đáng kể. Khi gặp phải những phàn nàn từ các nhóm doanh nghiệp về sự sụt giảm lao động, chính phủ có thể sẽ đổ lỗi sang các chính quyền tiểu bang và địa phương. Để duy trì sự cân bằng mong đợi - hai phần ba số thị thực dành cho dòng nhập cư diện lao động lành nghề, và một phần ba số thị thực dành cho dòng nhập cư diện bảo lãnh gia đình – thì chính phủ có thể phải cắt giảm hơn nữa trong số thị thực được cấp theo diện bảo lãnh gia đình, điều này sẽ đặt ra một loạt vấn đề mới nảy sinh.

 

Nguồn tin: Inside Story